Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, thành phố cần thơ

oda project management unit
Phát triển đô thị bền vững
//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/HinhDaiDien2/6366346608367347821175.gif

Theo Giáo sư Tiến sĩ Trần Trung Tính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, trong những thập kỷ qua, vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới tác động của BĐKH, phát triển không theo quy hoạch và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên khiến vùng ĐBSCL đang bị đe doạ nghiêm trọng. ĐBSCL cũng được xác định là 1 trong 5 vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH trên thế giới. Từ thực tế này, Chính phủ Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đã và đang xây dựng các chiến lược và chương trình khác nhau nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH.

Được soạn thảo từ năm 2013, trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Hà Lan, Kế hoạch ĐBSCL (MDP) là tài liệu tham khảo và định hướng cho Chính phủ đề ra những nguyên tắc để phát triển bền vững, cân nhắc đến hai yếu tố phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bao gồm BĐKH. Kế hoạch MDP trình bày hiện trạng của ĐBSCL (những vấn đề trước mắt, áp lực của sự phát triển, vấn về quy hoạch và quản lý); những tình huống phát triển kinh tế - xã hội có thể xảy ra; viễn cảnh kinh tế dài hạn đối với việc sống chung với lũ; cải thiện năng lực của cơ quan công quyền; tính khả chấp và những biện pháp kiểm soát lũ lụt.

Tháng 9-2017, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một sự kiện đặc biệt quan trọng, lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn và thu hút sự quan tâm của tất cả các bên liên quan: Hội nghị “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”. Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (Nghị quyết 120). Theo đó, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng vùng ĐBSCL trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hoá những thách thức thành cơ hội để phát triển. Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Như vậy, hướng đi cho tương lai ĐBSCL đã được vạch rõ và việc tiếp theo là phải làm sao để các giải pháp được thực thi hiệu quả trong thực tế.

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo tập huấn về “Thông điệp cốt lõi của Kế hoạch ĐBSCL nhằm hỗ trợ Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”. Mục tiêu của hội thảo nhằm truyền tải những thông điệp chính của Kế hoạch ĐBSCL và Nghị quyết 120 đến với cán bộ của 13 tỉnh, thành trong vùng; giúp các địa phương chủ động hơn trong công tác quản lý và thích ứng với BĐKH... Đồng thời, lắng nghe các ý kiến đóng góp, đề xuất từ các cơ quan quản lý đầu ngành để việc triển khai thực hiện Kế hoạch ĐBSCL và Nghị quyết 120 được thuận lợi, thiết thực. Các đại biểu còn thảo luận nhóm về: xác định các vấn đề tại ĐBSCL; tầm nhìn của ĐBSCL; thiết kế chuỗi giá trị cho các vùng thượng nguồn, ven biển và bán đảo Cà Mau...

Ông Lê Quang Trí, Vụ trưởng Vụ BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ cho biết các nghiên cứu gần đây cho thấy, hiện tượng nước biển dâng chỉ khoảng 2mm/năm trong khi sụt lún đất lên đến 2cm/năm. Do đó, nếu có sự cộng hưởng giữa hiện tượng nước biển dâng và sụt lún đất thì mặn sẽ xâm nhập sâu hơn và diễn biến rất khó lường. Và vấn đề đặt ra là ĐBSCL phải tìm cách để thích ứng với những tình huống này. Cụ thể hóa cho vấn đề vừa nêu, ông Laurent Umans, đại diện đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, việc trước mắt cần phải làm là các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ địa phương và người dân cần phối hợp, liên kết hợp tác, đặc biệt là liên kết theo tiểu vùng ĐBSCL để xác định lại các điểm bị ảnh hưởng nặng nhất của BĐKH. Để đối phó với tình trạng sụt lún đất, các đia phương trong vùng cần hạn chế khai thác nước ngầm và hạn chế ô nhiễm nguồn nước trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, cần phát huy, nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả của hộ nông dân trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường…

Theo các chuyên gia, hiện tại, Kế hoạch MDP đã nhận được sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ và các đối tác thực hiện. Tuy nhiên, nhận thức và hiểu biết ở cấp cơ sở của các cơ quan nhà nước và cộng đồng về các nguyên tắc và khuyến nghị của Kế hoạch MDP còn nhiều hạn chế. Ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề xuất: “Chúng ta cần phải có những giải pháp chiến lược và toàn diện. Đó là những thay đổi lớn về nhận thức, những "chuyển đổi quy mô lớn" để có thể có được sự phát triển bền vững cho ĐBSCL. Để thực hiện các giải pháp mang tính chuyển đổi này, điều quan trọng là chúng ta phải có được sự đồng thuận về nhận thức của tất cả các bên liên quan, trong đó quan trọng nhất là nhận thức của các cộng đồng dân cư tại ĐBSCL - những người đã và đang chịu tác động tiêu cực của BĐKH. Bởi trong giai đoạn đầu họ phải chịu những tác động của quá trình chuyển đổi trước khi có thể nhận được những lợi ích mang lại của sự phát triển bền vững tại ĐBSCL”.

Bản Đồ Dự Án

//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/du-an/du-an.jpg

Liên Kết

//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/du-an/chinhphu.png
//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/du-an/cantho.png
//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/du-an/gmail.png
//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/du-an/yahoo.png