Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, thành phố cần thơ

oda project management unit
Giới thiệu dự án 3
//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/logo.png

GIỚI THIỆU DỰ ÁN PHÁT TRIỂN TP CẦN THƠ & TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG ĐÔ THỊ (DỰ ÁN 3)
 
Giới thiệu chung
- Nhằm giảm rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm và tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố với các khu vực phát triển đô thị mới có rủi ro thấp hơn cũng như tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai của thành phố Cần Thơ.

- Tập trung chống ngập khu đô thị lõi Tp. Cần Thơ thuộc địa bàn 2 quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ và tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Diện tích được bảo vệ là 2.675 ha và số dân trong khu vực được bảo vệ là 423.400 người trong đó dân thường xuyên (dân tại chỗ, học sinh, sinh viên, dân lao động nhập cư) là khoảng 391.600 người và không thường xuyên (dân du lịch, khám chữa bệnh) là khoảng 31.800 người.

Các hợp phần của dự án

- Hợp phần 1: Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường

Giảm các nguy cơ liên quan đến tình trạng úng ngập tại khu vực đô thị trung tâm thành phố Cần Thơ thông qua việc cung cấp hỗ trợ cho: các hoạt động đầu tư ưu tiên cho công tác kiểm soát úng ngập tại Quận Ninh Kiều và Bình Thủy bao gồm các bờ kè và phục hồi đường đô thị; phục hồi và nâng cấp kênh mương, hệ thống thoát nước và công trình vệ sinh môi trường cũng như các hệ thống quản lý đi kèm, xây dựng các khu chứa nước mưa ở khu vực nông thôn Quận Bình Thủy và lắp đặt trạm bơm nhỏ tại cửa cống thoát nước rạch Tham Tướng; hoạt động quản lý hợp nhất rủi ro úng ngập và hệ thống cảnh báo sớm của thành phố Cần Thơ, bao gồm: hoàn thiện quy chế vận hành hệ thống kiểm soát úng ngập và thoát nước trong trường hợp khẩn cấp; xây dựng khung kinh phí cho việc vận hành và bảo dưỡng các hệ thống; quy chế điều phối và trao đổi thông tin với các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long khác; và hoàn thiện hệ thống thông tin cảnh báo sớm và nâng cao ý thức người dân. 

- Hợp phần 2: Phát triển hành lang đô thị 
  
Tăng cường kết nối nội đô và phát triển đô thị theo hướng khuyến khích việc đi bộ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại các khu vực ít rủi ro úng ngập của Quận Cái Răng, thông qua việc cung cấp hỗ trợ cho: kết nối hệ thống đường và cầu, hỗ trợ kỹ thuật cho công tác giao thông và sử dụng đất; xây dựng khu vực tái định cư tại Quận Ninh Kiều; và tiến hành các nghiên cứu và xây dựng kế hoạch cho việc: nâng cấp hệ thống xe buýt thành phố bao gồm việc phát triển thí điểm hành lang tuyến xe buýt nhanh (BRT); (và thành lập cơ quan quản lý giao thông công cộng); xây dựng kế hoạch phát triển hành lang nhằm xác định cơ hội thiết kế hướng tới người đi bộ và mạng lưới giao thông phi cơ giới; và phân tích hệ thống giao thông đô thị thành phố và mối tương quan với công tác sử dụng đất và phân bổ việc làm.

- Hợp phần 3: Tăng cường quản lý đô thị thích ứng với BĐKH

Cung cấp hỗ trợ cho việc: chuẩn bị quy hoạch không gian trên cơ sở các thông tin về rủi ro bao gồm thu thập và số hóa dữ liệu, mua phần mềm, phát triển và cài đặt cũng như các hoạt động đào tạo đi kèm; và xây dựng mô hình rủi ro ngập úng thuỷ động lực; và nâng cấp và sửa chữa hệ thống trợ giúp xã hội ứng phó với thiên tai của thành phố.
 
Mục tiêu của dự án
- Hiệu quả kinh tế:
Hết ngập do mưa và triều cường sẽ làm:

Tăng diện tích đất xây dựng: khi không còn ngập, nguồn tài nguyên đất sẽ được sử dụng hiệu quả và triệt để và làm tăng giá trị của đất hơn.

Không làm hư hỏng công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật: Khi mưa lớn và triều cường gây ngập cho thành phố sẽ làm cho các công trình hạ tầng được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện tại sẽ khó an toàn và cung cấp dịch vụ trong tương lai. Vì thế nếu hết ngập, công trình sẽ an toàn và phát huy hết công dụng của nó. 

Không làm gián đoạn sinh hoạt và sản xuất của người dân: khi không còn ngập úng thì các hoạt động sản xuất diễn ra liên hoàn, nông nghiệp được gieo trồng và thu hoạch đúng thời vụ; sản xuất công nghiệp có hiệu quả cao hơn do không bị gián đoạn trong khâu vận chuyển vật liệu và hàng hóa, không bị thiếu hụt nguồn lao động do đi lại khó khăn; thương mại – dịch vụ phát triển nhanh, mạnh, thu hút nhiều khách du lịch đem lại hiệu quả kinh tế lớn.

Không làm ách tắc giao thông: ngập úng làm các phương tiện giao thông đi lại gặp khó khăn, khả năng lưu thông hạn chế, dễ gây tai nạn do không thấy đường và vật cản. Nếu không còn hiện tượng ngập thì giao thông sẽ nhanh chóng và thuận tiện. Khi kênh rạch được nạo vét và kè, các phương tiện giao thông thủy đi lại dễ dàng và thuận tiện hơn,  không cần chờ triều lên một số tàu thuyền mới có thể đi lại được.

Giảm ảnh hưởng đến phương tiện giao thông: phương tiện giao thông di chuyển trên đường sẽ không bị ảnh hưởng do ngập, không làm hạn chế tầm nhìn của chủ phương tiện gây tai nạn giao thông cũng như hư hỏng phương tiện. 

Giảm bệnh dịch do ngập lụt: ngập úng lâu ngày sẽ làm môi trường sống của hộ dân sống tại khu vực ô nhiễm, là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật nguy hiểm. Sinh hoạt trong môi trường nước nhiễm bẩn lâu cũng là nguồn lây lan một số dịch bệnh rất nhanh. Vì vậy khi không còn ngập lụt, các dịch bệnh sẽ hạn chế phát tán bằng môi trường nước.

Hệ thống hành lang giao thông trục chính có quy mô lớn:

Tăng giá trị đất hai bên đường: khi xây dựng đường giao thông lớn, người dân sẽ có xu hướng phát triển nhà đất ra mặt đường để có khả năng phát triển các ngành nghề. Vì thế giá trị đất hai bên đường sẽ tăng nhanh.
Phát triển kinh doanh thương mại: khi xây dựng đường giao thông lớn sẽ làm tăng lượng người lưu thông trên con đường, tăng tính kết nối các khu vực trong thành phố thúc đẩy ngành dịch vụ - thương mại phát triển.
Tăng vận tốc lưu thông, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu: đường lớn đồng nghĩa với không ách tắc giao thông, các phương tiện đi lại vận chuyển nhanh nên tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu. Với giao thông thủy, các phương tiện đi lại thuận lợi hơn khi kênh rạch được nạo vét, các phương tiện không phải đi đường vòng đỡ tốn nhiên liệu.
Bớt hao mòn phương tiện: không bị gián đoạn khi tắc đường, các phương tiện giao thông trên đường hoạt động trơn tru, mau lẹ nên các loại xe sẽ ít bị hỏng hóc.

Các hạng mục về vệ sinh môi trường:

Giảm ô nhiễm khí, đất và nước: không còn ngập úng sẽ không làm ô nhiễm môi trường đất và nước trong quá trình vệ sinh sinh hoạt của người dân. Nước nhiễm bẩn và ứ đọng sẽ có mùi hôi thối làm ô nhiễm môi trường không khí. Vì vậy khi không còn tình trạng ngập úng sẽ giảm được ô nhiễm môi trường. Khi phát triển đường lớn, không còn tình trạng kẹt xe thì sẽ giảm được nhiễm bụi và tiếng ồn từ các phương tiện lưu thông.
Giảm bệnh tật: ngập úng làm nguồn nước nhanh nhiễm bẩn do quá trình sinh hoạt của người dân cùng với nước nhiễm bẩn trào ngược từ hố ga nước thải lên. Đó là nguồn gây bệnh và lây bệnh nhanh chóng. Vì vậy, nếu không còn ngập úng sẽ giảm được bệnh tật cho người dân.

Kè sông rạch và hồ:

Tăng giá trị đất: khi xây dựng kè hồ tạo cảnh quan sông nước, thân kè sẽ được tận dụng cho các thương hiệu quảng cáo, đất đai phía trên bờ kè sẽ được sử dụng làm bến bãi, khu vui chơi và các hàng quán. Vì vậy đất đai xung quanh kè sẽ phát huy hiệu quả và mang lại nhiều giá trị. 
Giao thông thủy thuận lợi: các kênh rạch sẽ được nạo vét và kè, tạo không gian lớn cho lòng kè giúp giao thông thủy trên kênh rạch được thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Du lịch đường thủy tăng: đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long là có nhiều kênh rạch. Vì vậy ngành du lịch sông nước sẽ phát triển mạnh nếu thành phố đầu tư nạo vét và kè các sông, kênh rạch tạo cảnh quan xanh.
 
Chợ và công viên:

Phát triển kinh doanh thương mại: Xây dựng chợ sẽ thu hút nhiều thương lái với nhiều mặt hàng thúc đẩy kinh doanh hàng hóa phát triển đáp ứng nhu cầu của người dân tạo nên một thành phố năng động.
Phát triển du lịch: Xây dựng chợ và công viên đem lại một bộ mặt mới cho thành phố, cùng với môi trường xanh – sạch – đẹp sẽ là lựa chọn hàng đầu của những người đam mê du lịch.
Khi dự án hoàn thành sẽ hạn chế rủi ro, thiệt hại tài sản, tính mạng con người, đảm bảo an toàn cho các công trình đầu mối quan trọng của Cần Thơ và vùng ĐBSCL;
Khai thác hiệu quả các trục hành lang giao thông đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông, định hướng phát triển đô thị;
Khai thác quỹ đất, tăng giá trị đất và nguồn thu ngân sách, tăng giá trị điều tiết về Trung ương.

- Hiệu quả xã hội:

Tạo công ăn, việc làm ổn định, giảm tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự: xây dựng đường lớn sẽ phát triển nhiều dịch vụ hai bên đường như các hàng quán, dịch vụ nghỉ chân. Xây dựng kè sẽ tạo ra nguồn đất công viên sau kè với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, các bến bãi của ghe thuyền, thu hút nguồn lao động lái ghe phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Thu hút nguồn lao động cho nhiều lĩnh vực sẽ giảm được hộ nghèo, giảm được tệ nạn xã hội và đảm bảo anh ninh trật tự.
Duy trì các hoạt động phục vụ cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho cả vùng: khi người dân có công ăn việc làm với thu nhập ổn định đồng nghĩa với đời sống họ tăng lên, họ sẽ cần đến các nhu cầu để phục vụ mình như chăm sóc sức khở và giáo dục.
Tạo sự yên tâm cho người dân và các nhà đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân: thành phố phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao sẽ thu hút các nhà đầu tư với những dịch vụ mới, chất lượng cao làm thay đổi bộ mặt toàn thành phố.
Ổn định cuộc sống của người dân do không ngập: không bị ngập lụt tức là cuộc sống của người dân không bị xáo trộn, không phải tìm cách sống chung với nước ngập bẩn, tạo sự thoải mái giúp người dân yên tâm làm ăn.
Định cư và nhà cửa kiên cố: không ngập lụt, phát triển hệ thống kè và đường, người dân có công ăn việc làm ổn định. Họ sẽ xây dựng và kiên cố nhà cửa, phát huy và tận dụng tối đa nguồn đất.
An toàn cuộc sống do không bị ngập và sụt lún bờ sông: bờ sông được kè theo tiêu chuẩn sẽ giảm tình trạng ngập và không còn hiện tượng sụt lún làm mất nhà cửa và tài sản của người dân sống xung quanh bờ sông, kênh rạch.
Thúc đẩy các ngành sản xuất liên quan phát triển: khi đầu tư xây dựng công trình sẽ thúc đẩy các ngành nghề phát triển: lái ghe thuyền du lịch, các ngành nghề thương mại hai bên đường lớn, hai bên kè.
Giảm chi phí xã hội do bệnh tật và tai nạn giao thông: không còn ngập lụt sẽ giảm nguồn lây lan dịch bệnh, giảm tai nạn giao thông do tầm nhìn hạn chế sẽ làm giảm đi chi phí xã hội cho bệnh tật và tai nạn giao thông.

- Hiệu quả môi trường:

Không khí trong lành, giảm khói bụi, tiếng ồn do giảm thiểu được tình trạng kẹt xe. Không  còn mùi hôi thối bốc lên do ngập lụt và vệ sinh môi trường kém.
Đất: giảm được tình trạng sình lầy, không làm xáo trộn các vi sinh vật trong đất.
Nước: nguồn nước không bị ứ đọng, khi mưa xuống hoặc triều dâng sẽ lưu thông nhanh, không bị ngập úng, không gây ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, nước ngầm và hệ sinh thái thủy sinh trong khu vực dự án.
Cảnh quan, cây xanh, mặt nước tạo nên không gian xanh làm hài hòa giữa môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường đô thị. Việc trồng cây xanh đem lại bầu không khí trong lành, tươi mát, giàu ô xy. Mang đến cho thành phố môi trường xanh – sạch – đẹp.

Thời gian thực hiện dự án
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến 31/12/2021
Nguồn tài chính cho dự án
- Tổng mức đầu tư: 7.343.367.015.818 VNĐ, tương đương 322.218.825 USD.
Trong đó vốn ODA
- Vốn WB: 250.000.000 USD, tương đương 5.697.499.999.992 VNĐ
- Vốn không hoàn lại SECO: 10.000.000 USD, tương đương 227.900.000.000 VNĐ.
Vốn đối ứng: 1.417.967.015.826 VNĐ, tương đương 62.218.825 USD

Bản Đồ Dự Án

//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/du-an/du-an.jpg

Liên Kết

//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/du-an/chinhphu.png
//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/du-an/cantho.png
//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/du-an/gmail.png
//odapmu.cantho.gov.vn/files/images/du-an/yahoo.png